(Đà Nẵng, 2022) Đào tạo phát triển nhân lực du lịch Đà Nẵng trong tình hình mới
Trước thời điểm diễn ra dịch Covid-19 vào cuối năm 2019, nguồn nhân lực du lịch thành phố Đà Nẵng đã có những bước phát triển vượt bậc về cả số lượng và cơ cấu với 50.963 lao động. Trong đó khoảng 75,4% tỷ lệ nhân lực qua đào tạo dưới nhiều hình thức, cơ bản đáp ứng phục vụ khách. Tuy nhiên, nhân lực chất lượng cao, đảm bảo các kỹ năng chuyên môn cao để đổi mới, phát triển bền vững du lịch còn hạn chế.
Qua 02 năm ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, đã có gần 70% tổng số lao động toàn ngành thất nghiệp, nghỉ việc (35.399 lao động), số còn lại đa phần hoạt động luân phiên. Từ cuối năm 2021 đến nay, hoạt động du lịch dần phục hồi trở lại với chính sách hỗ trợ, kích cầu du lịch, thúc đẩy thị trường nội địa của Chính phủ và thành phố, lực lượng lao động tại các doanh nghiệp từng bước trở lại làm việc ở mức độ hạn chế.
Nhân lực du lịch chất lượng cao được xác định là giải pháp đột phá để phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đáp ứng yêu cầu hội nhập và cạnh tranh quốc tế. Trong bối cảnh dịch COVID-19 hiện nay, đội ngũ lao động ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề, đòi hỏi cần có những chủ trương, chính sách phù hợp để phát triển nguồn nhân lực trong tình hình mới.
Qua khảo sát, doanh nghiệp du lịch hiện khó khăn, thiếu hụt lao động. Số lượng trở lại làm việc sau khi khôi phục hoạt động du lịch hạn chế, kiêm nhiệm nhiều vị trí, thu nhập không cao, ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ và tâm lý, động lực làm việc của người lao động; công tác đào tạo, tập huấn các quy định, quy trình phòng chống dịch, thương mại điện tử chưa kịp thờ. Khan hiếm lao động du lịch chất lượng cao, tại các vị trí lãnh đạo quản lý, trưởng bộ phận đảm bảo các kỹ năng cao về du lịch chưa đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu một số thị trường khách quốc tế chất lượng cao, tiềm năng. Năng lực sử dụng ngoại ngữ của nguồn nhân lực du lịch tại tất cả các lĩnh vực (khách sạn, lữ hành, khu điểm du lịch …) chưa cao và chưa đáp ứng được các thị trường trọng điểm về du lịch, đặc biệt khi mở rộng các thị trường mới như Nga, Ấn Độ, …
Số lượng nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao cần đào tạo rất lớn, khả năng đáp ứng của các cơ sở đào tạo còn hạn chế. Sự hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp và cơ sở đào tạo du lịch chưa đạt được hiệu quả cao, dẫn đến tình trạng lao động du lịch phát triển chưa gắn kết được nhu cầu sử dụng thực tế tại doanh nghiệp, mất cân đối trong đào tạo về ngành Du lịch tại các cơ sở đào tạo du lịch giữa chuyên ngành Khách sạn và Lữ hành. Một số cơ sở đào tạo chưa chú ý đến đào tạo nguồn nhân lực trình độ và chất lượng tay nghề cao; chưa chú trọng đào tạo các nghiệp vụ chuyên sâu, chủ yếu đào tạo về nhân sự, nhân viên du lịch, chưa chú trọng đào tạo về nhân lực quản lý của ngành.
Định hướng phát triển du lịch Đà Nẵng đến năm 2030 tầm nhìn 2050, được UBND thành phố phê duyệt dự báo trong giai đoạn 2025 – 2030 lượng khách lưu trú Đà Nẵng đạt 8.4 – 11.1 triệu lượt khách qua đó dự kiến tương ứng số lao động trực tiếp khoảng 72.000 – 86.000 lao động, Đồng thời, thành phố tập trung phát triển 03 nhóm sản phẩm, trong đó nhóm sản phẩm du lịch đặc thù (du lịch biển và nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch biển và nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch văn hoá, lịch sử; du lịch sinh thái, du lịch sáng tạo); sản phẩm du lịch chính (du lịch ban đêm, du lịch thuỷ nội địa, du lịch ẩm thực, du lịch cộng đồng nông thôn sinh thái), nhóm sản phẩm du lịch bổ trợ (du lịch y tế và chăm sóc sức khỏe, du lịch cưới, du lịch giáo dục). Đồng thời, thúc đẩy tăng trưởng cơ cấu khách nội địa; tiếp tục tăng trưởng các thị trường khách quốc tế trọng điểm từ Đông Bắc Á, Đông Nam Á, mở rộng khai thác thị trường khách tiềm năng Tây Âu (Anh, Pháp, Đức), Nga, Úc, Newzealand, Ấn Độ, Mỹ, Trung Đông). Do đó, đòi hỏi ngành du lịch nỗ lực về đào tạo đội ngũ nhân lực du lịch một cách hiệu quả, bài bản và đột phá làm yếu tố then chốt.
Nhân lực du lịch phụ thuộc nhiều vào nhu cầu của doanh nghiệp du lịch và chịu ảnh hưởng lớn của thị trường lao động, các thỏa thuận hợp tác quốc tế về dịch chuyển lao động và xu thế toàn cầu hóa. Vì vậy, cần có những định hướng, nhiệm vụ cụ thể để phát triển nguồn nhân lực du lịch, tăng tỉ lệ nhân lực du lịch được đào tạo bài bản, có năng lực thích ứng cao với thực tiễn, đảm bảo đủ về số lượng, chất lượng; hướng đến chất lượng cao, được đào tạo kỹ về chuyên môn nghiệp vụ, thích ứng với nhu cầu phát triển du lịch, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tình hình thế giới; cơ cấu ngành nghề đa dạng và cân đối, hợp lý, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, gắn với phát triển kinh tế, xã hội thành phố Đà Nẵng.
Theo nhận định UNWTO và các chuyên gia kinh tế, thời kỳ hậu COVID-19, ngành du lịch sẽ có sự cạnh tranh lớn về tuyển dụng lại nhân sự, cùng với xu thế công nghệ – nền tảng số trong du lịch đang làm thay đổi các phương thức quản lý, kinh doanh và tiêu dùng trong du lịch, thời đại du lịch thông minh đã và đang diễn ra mạnh mẽ, thay đổi nhanh các hành vi, nhu cầu của khách du lịch.
Trong bối cảnh đó, thành phố Đà Nẵng sẽ tập trung triển khai các nhóm nhiệm vụ, giải pháp phát triển nguồn nhân du lịch
Thứ nhất, khôi phục số lượng và chất lượng nhân lực du lịch bị thiếu hụt do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19; khảo sát số lượng, nhu cầu để triển khai các chương trình hợp tác đào tạo, kế hoạch đào tạo phù hợp thực tế.
Thứ hai, nâng cao chất lượng nhân lực tạo đồng đều về chất lượng giữa các doanh nghiệp; nâng cao năng lực đội ngũ nhân lực quản lý nhà nước về du lịch, quản trị doanh nghiệp du lịch.
Thứ ba, kiện toàn các chương trình đào tạo, đa dạng hóa kỹ năng về kiến thức tổng quan để xử lý nhiều nhóm công việc, chuyển đổi số, phân tích dữ liệu, truyền thông trực tuyến… Triển khai số hóa các cơ sở dữ liệu phục vụ công cuộc chuyển đổi số trong công tác quản lý dữ liệu về nguồn nhân lực
Thứ tư, nâng cao tỷ lệ nguồn nhân lực du lịch được đào tạo đối với nghiệp vụ, chuyên môn về du lịch. Nâng cao tỷ lệ sử dụng ngoại ngữ thành thạo; triển khai hiệu quả thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về hành nghề du lịch ASEAN (MRA TP).
Thứ năm, nâng cao nhận thức, tăng cường sự tham gia của cộng đồng dân cư trong phát triển thương hiệu điểm đến của thành phố, đặc biệt tại các khu vực phát triển kinh tế đêm, du lịch sinh thái, cộng đồng.
Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của doanh nghiệp, góp phần tạo ra nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy phát triển du lịch thành phố, bên cạnh công tác quản lý nhà nước về các cơ chế, chính sách, vai trò các doanh nghiệp du lịch đóng yếu tố cốt lõi, không ngừng cải thiện các yếu tố nội tại của doanh nghiệp về công tác đào tạo; thu hút, tuyển dụng lao động; chính sách đãi ngộ phù hợp; tạo môi trường làm việc lành mạnh, khuyến khích đội ngũ nhân viên du lịch phát huy năng lực, sáng tạo trong công việc.
Các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch cần xác định công tác tuyển dụng, đào tạo và giữ chân nhân lực chất lượng cao là trách nhiệm chính để đảm bảo chất lượng dịch vụ; thường xuyên cập nhật các thông tin về xu hướng phát triển của các thị trường khách để có kế hoạch tuyển dụng, đào tạo kịp thời. Đối với các cơ sở đào tạo nghề du lịch cần thay đổi toàn diện mục tiêu đào tạo, tiêu chuẩn hóa nhân lực du lịch theo chuẩn khu vực và quốc tế; đội ngũ giảng viên đảm bảo nghiệp vụ để giảng dạy lý thuyết và hướng dẫn thực hành nâng cao tay nghề cho người học; áp dụng các chương trình đào tạo chuẩn khu vực và thế giới, đào tạo theo hướng mở, để khai thác tiềm lực từ các doanh nghiệp kinh doanh du lịch; định hướng và khuyến khích sinh viên đổi mới trong cách tiếp cận nghề nghiệp với tinh thần sáng tạo; đẩy mạnh hợp tác, liên kết đào tạo giữa các cơ sở đào tạo trên địa bàn thành phố và các nước trong khu vực. Đồng thời các cơ sở đào tạo cần chủ động trao đổi, tìm kiếm những lợi thế kết nối hợp tác chặt chẽ với các cơ quan quản lý, doanh nghiệp du lịch để dự báo nhu cầu lao động, xây dựng và thực hiện chuẩn đầu ra và đào tạo sinh viên có kỹ năng đáp ứng yêu cầu ngành nghề. Các doanh nghiệp vừa có vai trò hỗ trợ các hoạt động đào tạo về nghiệp vụ, vừa là nơi thực hành, thực tập và sử dụng lao động của các cơ sở đào tạo cả trước mắt và lâu dài; là nơi thực hành, thực tập của cơ sở đào tạo; sử dụng cơ sở vật chất, dịch vụ, trang thiết bị, phần mềm… của doanh nghiệp để đào tạo thực hành (doanh nghiệp cử các quản lý, trưởng bộ phận tham gia giảng dạy, hướng dẫn thực hành, thực tập, đánh giá kết quả học tập của sinh viên…).
Đặc biệt, trong xu thế chung, ngành du lịch đang chủ động chuyển đổi số, tiếp cận và tham gia vào cuộc CMCN 4.0, phát huy lợi ích của công nghệ số, tiến tới hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh gắn kết các chủ thể từ khách du lịch, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ và cơ quan quản lý nhà nước. Năng lực công nghệ, khả năng thích ứng với “Du lịch thông minh” cũng quan trọng không kém để đáp ứng yêu cầu phục vụ “khách du lịch thông minh”. Nhân sự cần được đào tạo lại, trang bị kiến thức chung và kỹ năng để thích nghi với môi trường làm việc nền tảng số, thích ứng để phát triển. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và thúc đẩy chuyển đổi số trong việc tuyển sinh, đào tạo, liên kết sẽ giúp các cơ sở đào tạo nghề khai thác hiệu quả hơn các giá trị gia tăng từ môi trường số, trên cơ sở đó đào tạo được nguồn nhân lực du lịch đáp ứng theo nhu cầu của khách du lịch theo chuẩn mực khu vực và quốc tế.